Xã Song Mai: Kinh nghiệm đạt chuẩn Nông thôn mới

(BTĐKT)-Ngày 24-1-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký Quyết định số 112/QĐ-UBND công nhận xã Song Mai đạt 19/19 tiêu chí sau 03 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là kết quả từ sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố Bắc Giang và sự đồng thuận tham gia tích cực của toàn thể nhân dân trên địa bàn.

Chợ Song Mai (TP Bắc Giang) vừa được đầu tư xây dựng mới.

Trong 3 năm qua, xã Song Mai đã huy động nhiều nguồn lực với tổng kinh phí hơn 51 tỉ đồng xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa, khu thể thao; quy hoạch nghĩa trang, các điểm thu gom rác thải. Lĩnh vực phát triển sản xuất, triển khai nhiều mô hình, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất được đẩy mạnh; xuất hiện nhiều mô hình  liên doanh, liên kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, ngày chủ nhật xanh, các phong trào thể dục thể thao, tu sửa cổng ngõ xanh- sạch- đẹp được duy trì thường xuyên và hiệu quả. Diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới.

Từ năm 2011 -2013, tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Song Mai khoảng 51,343 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách TW, tỉnh hỗ trợ: 3,440 tỷ đồng, Ngân sách thành phố hỗ trợ: 33,050 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp và các nguồn lực khác khoảng gần 11 tỷ đồng. Qua 3 năm thực hiện đã hoàn thành đầu tư xây dựng 34 dự án, hạng mục công trình đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn về bộ mặt nông thôn và hoàn thành các tiêu chí như: trụ sở làm việc xã, nhà văn hoá các thôn; sân thể thao xã, nghĩa trang nhân dân xã; đường trục xã, trường học, ga trung chuyển rác thải…Nhìn chung, các dự án, hạng mục công trình được triển khai đều đảm bảo tiến độ, chất lượng và có sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng dân cư và cơ quan chức năng.
Ngoài ra, đã phối hợp thực hiện tốt công tác BTGPMB để thu hút HTX đầu tư khai thác và quản lý chợ Hải An đầu tư xây dựng chợ Song Mai quy mô trên 120 tỷ đồng góp phần tạo điều kiện cho các hộ thương nhân kinh doanh và cảnh quan đô thị của xã.
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, UBND xã trú trọng đến phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân: Đẩy mạnh công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ Khoa học – Kỹ thuật vào sản xuất, triển khai 22 mô hình phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó sản xuất nông nghiệp xã đã có bước phát triển nhanh, hàng năm tỷ lệ lúa lai, lúa chất lượng chiếm 40% tổng diện tích. Một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Hoa lyly chất lượng, rau an toàn – rau chế biến, khoai tây chế biến xuất khẩu và các mô hình nuôi thủy sản…, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ trên 100 triệu đồng/năm, góp phần đưa giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt trên 85 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người của nông dân đạt 23,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 1,6%…
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, kinh nghiệm được cho thấy: Trước hết phải có sự quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời phải có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp; sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn và sự đồng thuận của nhân dân.
Địa bàn tiến hành xây dựng nông thôn mới là các thôn, do vậy việc tổ chức thực hiện của Tiểu ban quản lý ở thôn đóng vai trò quyết định đến sự thành công của chương trình, vì vậy đòi hỏi đội ngũ cán bộ Tiểu ban quản lý các thôn phải được lựa chọn những người có trình độ, năng lực.
Quá trình thực hiện phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nắm bắt, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.
Tiếp theo là công tác phổ biến, quán triệt về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; phải lấy nòng cốt là MTTQ và các đoàn thể từ xã đến thôn để tuyên truyền vận động đội ngũ cán bộ đảng viên, hội viên thực hiện trước, sau đó mới đến tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân.
Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ đảng viên và nhân dân, xây dựng sự đoàn kết nội bộ, khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại va chạm, trông chờ ỉ lại vào cấp trên.
Ngoài ra, phải thực hiện tốt việc huy động vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.
Việc xây dựng nông thôn mới phải xác định dựa vào nội lực của cộng đồng là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, vì vậy ngoài kinh phí hỗ trợ của cấp trên, cần chủ động huy động vốn trong nhân dân; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn và các thành phần kinh tế khác.
Mặt khác, cần đảm bảo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở: Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện và đảm bảo dân chủ công khai về tài chính các khoản thu, chi đầu tư cho xây dựng. Cần thực hiện đúng tiến độ đề ra, có vốn đến đâu thực hiện đến đó, tránh tình trạng hạng mục nào cũng làm kể cả khi chưa có vốn, hạng mục nào cũng dở dang ảnh hưởng đến chất lượng công trình và dễ phát sinh thắc mắc, khiếu kiện trong nhân dân.
Phải quản lý và sử dụng các nguồn vốn chặt chẽ, công khai dân chủ, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí.
Tăng cường công tác thi đua khen thưởng: Kịp thời động viên khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đặc biệt coi trọng và nhân rộng các điển hình tiên tiến là các hộ dân tích cực tham gia hiến đất, phát triển sản xuất.
 Cụ thể hóa những kinh nghiệm trên đó là: Ngay sau khi được thành phố lựa chọn để thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, Đảng uỷ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện chương trình NTM, HĐND xã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, UBND xã thành lập Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã và Tiểu Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới tại 17 thôn; sau khi được thành lập, BQL đã xây dựng Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch phân kỳ thực hiện từng năm.
Hàng tháng, Đảng ủy, UBND xã tổ chức hội nghị giao ban để triển khai Kế hoạch và kiểm điểm tiến độ thực hiện của UBND xã và các đoàn thể chính trị xã hội đến cấp uỷ chi bộ, Trưởng, phó thôn, Trưởng ban CTMT và Tiểu Ban quản lý xây dựng NTM ở thôn.
Đồng thời, chỉ đạo tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức như: Thông qua các hội nghị của Đảng, đoàn thể, thông qua hệ thống truyền thanh, sao gửi các văn bản… phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng nông thôn mới; về vai trò của cộng đồng dân cư trong đóng góp nguồn lực, trong công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư…
Sau gần 3 năm thực hiện đã có trên 100 hộ dân hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hoá với tổng diện tích trên 8.000m2 và tham gia trên 500 ngày công lao động, điển hình ở các thôn: Nam Tiến, Phúc Hạ, Mai Cao, Vĩnh An, Bùi…; 17/17 thôn đã thành lập Tổ VSMT, 95% số hộ tham gia đóng phí VSMT từ 12.000đ-15.000đ/tháng; có trên 500 hộ xây mới và cải tạo nâng cấp nhà ở, cổng, tường rào và 870 hộ cải tạo vườn tạp.
Ngoài ra, các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục – thể thao trong toàn xã được nhân dân hưởng ứng tích cực. Các quy ước, hương ước được sửa đổi, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã dần được xoá bỏ, cải tiến. Tình làng nghĩa xóm được gắn chặt hơn, tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo giảm rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Người dân đã nhận thức được xây dựng NTM phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với thực tế địa phương; quá trình xây dựng NTM bộ mặt của xã có chuyển biến rõ nét, chất lượng các công trình hạ tầng được nâng lên; thu nhập và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo và điều hành của Nhà nước…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *