Bắc Giang: 10 thành tựu kinh tế – xã hội nổi bật nhiệm kỳ 2010 – 2015

>Nhìn lại 5 năm qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Sau đây là 10 thành tựu kinh tế – xã hội nổi bật nhất nhiệm kỳ 2010-2015 do Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang bình chọn.

1. Công nghiệp phát triển nhanh cả về không gian, quy mô và trình độ công nghệ với tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 19,4%. Cơ cấu công nghiệp – xây dựng tăng từ 32,9% năm 2011 lên 41,5% năm 2015. Toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp đi vào hoạt động; thu hút 455 dự án đầu tư, trong đó 127 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) ước đạt 58.672 tỷ đồng, bằng 147,7% mục tiêu và cao gấp 4,7 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 36,4%, góp phần tăng thu ngân sách, tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động. Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tạo việc làm cho khoảng 250 nghìn lao động.

2. Nông nghiệp Bắc Giang phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân 5,2%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân đạt 4,0%/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2015 ước đạt 86 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2010. Cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi (năm 2015 tỷ trọng chăn nuôi chiếm 45%). Tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo được sản phẩm đặc trưng có thương hiệu. Đã hình thành vùng trồng cây ăn quả lớn thứ 3 toàn quốc, vùng trồng vải thiều là vùng sản xuất chuyên canh đứng thứ nhất, đàn gà đứng thứ 4 và là một trong 2 tỉnh có đàn lợn dẫn đầu cả nước. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 33/202 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 16,3% số xã toàn tỉnh; bình quân các xã trên địa bàn tỉnh đạt 12,7/19 tiêu chí xã nông thôn mới.

3. Dịch vụ phát triển đa dạng, ngày càng nâng cao chất lượng. Thu hút được một số dự án lớn như: Sân Golf – Dịch vụ Yên Dũng, khách sạn Mường Thanh, siêu thị BigC, Co.op mart… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 17.200 tỷ đồng, tăng bình quân 19,6%/năm. Phương tiện vận tải tăng bình quân 11%/năm; phủ sóng điện thoại di động và Internet tới tất cả các xã. Hệ thống dịch vụ tài chính, tiền tệ phát triển khá, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các dịch vụ giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật, bảo hiểm, du lịch… tiếp tục phát triển phong phú, đa dạng.

4. Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với các tỉnh bạn và các vùng kinh tế động lực. Đã phối hợp triển khai cải tạo, nâng cấp các quốc lộ 1, 31, 37; đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường tỉnh: 293, 398, 295B, 296, 297, 298, 299… Tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm đã cải tạo, nâng cấp, cứng hóa 215 km đường tỉnh; 240 km đường huyện; 695 km đường liên xã, trục xã; 654 km đường thôn, bản; nâng tỷ lệ cứng hóa đường huyện từ 50% (năm 2010) lên 85%; đường xã từ 21,5% lên 58,5%; đường thôn, bản đạt 47,6%.

5. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15,5%/năm. Cơ cấu nguồn thu nội địa ngày càng tiến bộ. Chi ngân sách bám sát dự toán, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng chế độ, chính sách, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, bình quân đạt 51%/năm, ước năm 2015 đạt trên 2,6 tỷ USD (vượt hơn 3 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là 800 triệu USD).

6. Công tác phát triển du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư phát triển các điểm du lịch để xây dựng các tour, tuyến du lịch như: Dự án xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, Quy hoạch xây dựng bảo tồn di tích, danh thắng chùa Vĩnh Nghiêm; Dự án xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử…; đầu tư xây dựng các tuyến giao thông (đường tỉnh 293) để kết nối các điểm du lịch trong tỉnh và kết nối với các tỉnh trong khu vực. Toàn tỉnh có 330 cơ sở lưu trú, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 2 sao, 15 khách sạn 1 sao và trên 300 nhà nghỉ, với khoảng 4.000 buồng nghỉ, trong đó có 3.750 buồng nghỉ đạt tiêu chuẩn. Tốc độ tăng khách du lịch bình quân đạt 23,8%/năm, năm 2015 ước đạt 400 nghìn lượt người; doanh thu từ du lịch có tốc độ tăng bình quân đạt 37%/năm, năm 2015 ước đạt 262 tỷ đồng.

7. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển. Mạng lưới các trường được bố trí hợp lý, bảo đảm mỗi xã có đủ 03 trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở); tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 80%, vượt mục tiêu đề ra. 100% đội ngũ cán bộ, giáo viên đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi hoàn thành trước một năm so với kế hoạch; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 đạt 70,8% số xã (tăng 56,5% so với năm 2010). Giáo dục – đào tạo duy trì vị trí trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; thi học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia năm 2015 xếp thứ 12 về số lượng giải, xếp thứ 9 về chất lượng giải và luôn ở vị trí từ 1 đến 3 các cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc.

8. Công tác đào tạo nghề được quan tâm đầu tư, từng bước gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Mỗi năm, các cơ sở trên địa bàn đào tạo nghề cho gần 3 vạn lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 50,5%. Trên 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề, trên 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, trên 70% học sinh tốt nghiệp sơ cấp nghề có việc làm sau đào tạo. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 15,3% năm 2010 lên 23,3% năm 2015, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 12,6% năm 2010 lên 20,5% năm 2015, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 72,1% năm 2010 xuống còn 56% năm 2015.

9. Cải cách hành chính được đẩy mạnh. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện tại 10/10 huyện, thành phố, 230/230 xã, phường, thị trấn và 18/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 139 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình một cửa điện tử liên thông hiện đại, trong đó một số địa phương (Thành phố Bắc Giang, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa) đã triển khai tới 100% đơn vị xã, phường, thị trấn. Chỉ số cải cách hành chính 2014 (PAR INDEX 2014) của Bắc Giang xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

10. Tai nạn giao thông liên tục giảm mạnh cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, năm 2014 giảm sâu so với cùng kỳ năm 2013: giảm 70 vụ (18,3%); giảm 38 người chết (24,6%); giảm 58 người bị thương (17,5%). Năm 2015, Ban ATGT tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu giảm tối thiểu 5% số vụ, người chết và bị thương do TNGT.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kts. Soát
Chat ngay