Bồi thường thu hồi đất tại xã Tân Hưng (Lạng Giang): Khiếu kiện vì cán bộ tắc trách

(BGĐT) – Là người có đất bị thu hồi để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn nhưng bà Vũ Thị Cần, thôn Trung Phụ Ngoài, xã Tân Hưng (Lạng Giang) lại không được cơ quan chức năng thông báo về sự việc. Khi biết thông tin thu hồi đất, bà Cần đã liên hệ cơ quan có trách nhiệm để giải quyết thủ tục. Nhưng rất tiếc kiến nghị của bà Cần chưa được lưu tâm. Bức xúc vì quyền lợi bị ảnh hưởng, bà Cần đã làm đơn khiếu nại.

Khu ruộng của hộ bà Vũ Thị Cần nằm trong diện thu hồi để làm đường cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn.

Có đất diện thu hồi mà không biết

Ngày 3-7-2012, UBND huyện Lạng Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất cho hộ gia đình ông Lê Văn Vũ, bà Vũ Thị Cần ở thôn Trung Phụ Ngoài, xã Tân Hưng. Hộ ông Vũ được quyền sử dụng 8 thửa đất nông nghiệp, tổng diện tích 2.692,1 m2. Nguồn gốc đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng. Tháng 9-2013, ông Vũ và bà Cần ly hôn, số đất nông nghiệp trên vẫn đứng tên chung hai người. Năm 2017, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn (đoạn qua xã Tân Hưng), hộ ông Vũ có 4 thửa ruộng, tổng diện tích 1.622,7 m2 nằm trong diện thu hồi thực hiện dự án này. Tổng số tiền đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất theo quy định là hơn 360 triệu đồng. Thời điểm triển khai dự án, ông Vũ, bà Cần đã chuyển vào tỉnh Kon Tum sinh sống, gửi ruộng đất cho người họ hàng canh tác, trông nom (bà Cần vẫn để hộ khẩu thường trú tại xã Tân Hưng, còn ông Vũ, năm 2013 đã chuyển khẩu vào nơi ở mới).

Bà Cần bức xúc cho biết: “GCNQSD đất nông nghiệp tại xã Tân Hưng vẫn do tôi giữ. Vậy mà khi lập hồ sơ, làm thủ tục thu hồi đất, trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương lại chỉ báo cho ông Vũ, không thông tin cho tôi”. Được biết, việc đền bù, hỗ trợ đất thu hồi được chia làm hai đợt. Khi biết ông Vũ nhận tiền đợt 1, bà Cần đã gọi điện cho cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lạng Giang, phụ trách địa bàn xã Tân Hưng nói mình có tên trong GCNQSD các thửa đất diện thu hồi và không ủy quyền cho ai ký nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, ý kiến của bà Cần không được cán bộ chuyên môn xem xét. Bằng chứng là sau đó bà Cần vẫn không được thông báo, mời đến làm thủ tục giao đất và tiền bồi thường đợt 2 theo quy định.

Lỗi do cán bộ tắc trách

Đối chiếu với quy định pháp luật liên quan thì Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lạng và UBND xã Tân Hưng rõ ràng đã có những thiếu sót, chưa cẩn trọng khi làm thủ tục đền bù thu hồi đất của hộ gia đình ông Vũ, bà Cần.

Trao đổi về sự việc này, ông Hoàng Văn Điểm, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng và bà Nguyễn Thị Lý, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lạng Giang (đơn vị lập, tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất của dự án này) cho rằng đã làm đúng quy trình, thủ tục khi thu hồi đất của hộ ông Vũ, bà Cần. Bà Lý cho biết, hàng trăm hộ dân Tân Hưng nằm trong diện thu hồi đất làm dự án. Quá trình giải quyết, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đều mời người đại diện hộ đến làm việc, hộ ông Vũ, bà Cần cũng vậy. Thời điểm thực hiện dự án, ông Vũ, bà Cần không ở địa phương. Ông Vũ đã làm giấy ủy quyền cho người anh trai là ông Lê Nguyên Hồng cũng ở thôn Trung Phụ Ngoài giúp mình nhận tiền đền bù. Số tiền này sau đó được ông Vũ chia cho bà Cần và 3 người con. Bà Cần được 70 triệu đồng. Tuy nhiên, bà chưa đồng ý cách ông Vũ phân chia tiền đền bù đất cho các thành viên trong gia đình.

Đối chiếu với quy định pháp luật liên quan thì Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lạng và UBND xã Tân Hưng rõ ràng đã có những thiếu sót, chưa cẩn trọng khi làm thủ tục đền bù thu hồi đất của hộ gia đình ông Vũ, bà Cần. Về nguyên tắc, khi thu hồi đất, chính quyền, cơ quan chuyên môn phải thẩm tra, xác định đúng chủ thể, đối tượng có quyền sử dụng đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ chuẩn xác. Nếu GCNQSD đất ghi tên cả vợ và chồng thì phải mời hai người lên làm việc. Trường hợp mời đại diện hộ thì phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự về hộ gia đình (Hộ gia đình là những người có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, cùng tạo lập tài sản chung…). Trong vụ việc này, ông Vũ, bà Cần đã ly hôn, cư trú ở hai nơi khác nhau. Khi thu hồi đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và UBND xã Tân Hưng không xác minh xem ai là đại diện hộ mà tự chọn một trong hai người có tên trong GCN để gửi thông báo là thiếu khách quan, gây ảnh hưởng quyền lợi của người còn lại.

Việc UBND xã Tân Hưng ký chứng thực vào giấy ông Lê Văn Vũ ủy quyền cho ông Lê Nguyên Hồng ký giao đất và nhận tiền đền bù giúp hộ mình là vượt quá phạm vi thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật dân sự, ông Vũ chỉ có thể ủy quyền cho ông Hồng phần đất thuộc quyền sử dụng của mình chứ không thể ủy quyền cả phần của bà Cần và những người con của họ. Ngoài ra, khi bà Cần có ý kiến, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lạng Giang không xem xét mời hai bên lên giải quyết mà tiếp tục chi trả tiền đợt 2 cho phía ông Vũ là thiếu trách nhiệm, hay nói đúng hơn là cố tình làm sai chủ trương của Nhà nước về đền bù khi thu hồi đất.

Để khắc phục thiếu sót, giải quyết dứt điểm vụ việc, UBND xã Tân Hưng, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lạng Giang nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc, kiểm điểm trách nhiệm cán bộ liên quan. Nếu hộ ông Vũ, bà Cần không thống nhất phân chia được khoản tiền bồi thường đất, chính quyền địa phương, cơ quan liên quan nên hòa giải. Nếu họ vẫn không nhất trí, cần hướng dẫn làm đơn ra tòa án giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mỗi người.

Vụ việc tại xã Tân Hưng là bài học để các địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm trong công tác lập phương án, thực hiện việc đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất. Quá trình thực hiện, lưu ý vấn đề ủy quyền, việc xác định người đại diện hộ gia đình theo đúng quy định pháp luật để hạn chế những tranh chấp, khiếu nại không đáng có, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Thùy Ninh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *