Không nên mê tín phong thủy

Cách đây mấy năm, Trung tâm Lý học Đông phương (Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á) tổ chức hội thảo khoa học để chứng tỏ rằng phong thủy là khoa học chứ không phải là mê tín. Tại sao họ phải cố gắng chứng minh phong thủy là khoa học? Đó là vì một số người xem phong thủy là ngụy khoa học (pseudoscience), như giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn tại Viện Garval, Úc. Riêng tôi thì mềm hóa đi đôi chút, khi dịch pseudoscience là “tựa khoa học”, tức phong thủy có vẻ giống như khoa học.

Tại hội thảo, một kiến trúc sư đưa ý kiến Dinh Độc Lập của chính quyền Sài Gòn trước 1975 là sai lầm về phong thủy, khi “lộ cốt” (ám chỉ cấu trúc mặt tiền với hàng trúc, biểu tượng của người quân tử, từng được xem là sáng tạo độc đáo của KTS Ngô Viết Thụ). Và (ẩn ý) đó là lý do khiến chính quyền Sài Gòn sụp đổ! Ý kiến khác thì cho rằng, một khách sạn nổi tiếng nằm ven Hồ Tây Hà Nội kinh doanh thất bại cũng vì sai phong thủy; và chỉ cần xem ảnh các khách sạn trên thế giới là có thể biết ngay một khách sạn sẽ thành công hay không.

Một người bạn của tôi cũng mời thầy phong thủy khi hôn nhân bị trục trặc. Và theo lời thầy, anh cho sắp xếp lại toàn bộ giường tủ vốn đã tối ưu trong phòng ngủ, một việc làm mà tôi hoàn toàn phản đối.

Không nên mê tín phong thủy
Hội trường Thống Nhất (trước 1975 có tên Dinh Độc Lập) do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế

Tại sai phong thủy không là khoa học

Tại sao tôi khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng phong thủy không phải là khoa học? Lý do khá đơn giản: khoa học là một hệ thống các lý thuyết và phương pháp thực nghiệm ngày càng hoàn thiện để truy tìm kiến thức. Nói cách khác, sự tiến bộ không ngừng là tiêu chí đặc trưng của khoa học. Đó là lý do chúng ta thấy khoa học ngày nay khác xa khoa học vài ba trăm năm trước. Đó là điều hoàn toàn trái ngược với phong thủy và các học thuyết cổ xưa khác. Cơ sở lý luận và cách thức thực hành của phong thủy hầu như bất biến sau mấy ngàn năm. Nên tôi cho rằng phong thủy chỉ là “tựa khoa học”, tức là có vẻ giống khoa học mà thôi.

Thực chất của phong thủy

Vậy phong thủy là gì? Như hầu hết các học thuyết phương Đông khác, phong thủy dựa trên dịch lý, thuyết âm dương ngũ hành, cho rằng trong tự nhiên, cả giới vô sinh lẫn hữu sinh, luôn luân chuyển một dạng năng lượng thiết yếu gọi là khí (qi). Có sinh khí và tử khí; trong sinh khí lại có khí âm và khí dương. Nhiệm vụ của phong thủy là xây dựng nhà cửa, công trình, tìm nơi mai táng… ở nơi có sinh khí. Chẳng hạn sách Táng thư viết: “Mai táng phải chọn nơi có sinh khí. Khí gặp gió (phong) ắt tán, gặp nước (thủy) ngăn thì dừng. Cổ nhân làm sao cho khí tụ chứ không tán, nước chảy có chỗ dừng”. Do đó mà có tên là phong thủy. Theo quan niệm của phong thủy thì vận mệnh của một quốc gia, một gia tộc hay một cá nhân có khi phụ thuộc vào hướng của một con đường, vị trí của một tòa nhà hay cách sắp xếp của một căn phòng. Và nhờ một thầy địa lý có tài, khi đã táng được một cụ tổ tại vị trí có địa thế hàm một con rồng (mả táng hàm Rồng), con cháu trong nhà không đại phát không xong (!).

Không khó để tìm ra sai lầm trong các quan niệm nền tảng của phong thủy, vì bản thân học thuyết âm dương ngũ hành cũng chỉ là một học thuyết duy vật thô sơ và biện chứng chất phác. Muốn biết âm dương ngũ hành và những học thuyết diễn dịch từ nó đã kìm hãm các xã hội phương Đông như thế nào, hãy nhớ tới trường hợp các nhà Nho thời Tự Đức. Nguy cơ mất nước đã nhãn tiền, thế mà họ vẫn cho rằng khoa học Tây phương chỉ là trò dâm xảo, vì tìm mãi không thấy âm dương ngũ hành đâu nên quyết không chịu canh tân theo Nguyễn Trường Tộ!

Tôi biết nhiều người sẽ phản bác, vì cho rằng phong thủy có ích khi tìm hướng xây nhà hay bố trí nội thất. Điều đó có thể không sai, nhưng phương Tây đâu cần phong thủy mà các công trình vẫn trường tồn? Và chỉ với cách tư duy hợp lý thì cũng biết rằng cửa nên chọn hướng nam hơn là hướng bắc, nhà nên tựa vào núi và hướng ra thung lũng chứ không phải ngược lại… Có ai lại bố trí bếp ở giữa nhà hay không, cho dù không biết phong thủy?

Và chúng ta có thể hiểu thêm về phong thủy nếu trở lại với những ý kiến ở đầu bài viết. Xem Dinh Độc Lập “lộ cốt” nên Nguyễn Văn Thiệu phải trốn chạy là một ý kiến hết sức sai lầm. Vậy nếu không “lộ cốt” thì sẽ không có ngày 30-4 lịch sử? Và nếu chỉ xem ảnh có hợp phong thủy hay không là biết các khách sạn sẽ thành công hay thất bại thì thế giới nên giải tán hết các viện nghiên cứu và trường đại học về kinh tế, tài chính, marketing hay ngân hàng! Còn bạn tôi thì phải sắp xếp đồ đạc lại như cũ sau vài tháng chịu cảnh khó chịu mà không cải thiện được tình trạng hôn nhân.

Cuối cùng tôi xin lưu ý bạn đọc rằng Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương chính là “dị nhân” Nguyễn Anh Tuấn, người từng có tuyên bố hoang tưởng là có thể đuổi mưa dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *