Câu chuyện Cao Biền và thành Thăng Long và nhà Lý

Thực ra, bài viết này tôi đã soạn từ lâu, nhưng khi xảy ra cái vụ trận đồ bát quái trên sông Tô lịch, dư luận, báo chí xôn xao nên tôi không dám post bài vì sợ gây tranh cãi. Nay mọi chuyện đã yên hàn, tôi xin góp vui cho diễn đàn. Trước khi đọc, tôi cũng xin mọi người hiểu cho rằng, tất cả những thông tin trên đây cũng mới chỉ là quan điểm cá nhân thôi, chưa có một sự khẳng định nào. Đơn giản nó chỉ là một sự khơi gợi vấn đề để cho mọi người suy ngẫm, phần lớn tư liệu về Địa lý tôi lấy trong mấy cuốn sách về Địa lý gia truyền, chép tay, chữ Hán của một người nghiên cứu Địa lý.
Bài viết gồm 3 phần:
– Cao Biền và thành Thăng Long
– Tấu thư địa lý kiểu tự
– Nhà Lý đặt thành Thăng Long

Phần 1 : Cao Biền và thành Thăng Long
Cách đây khoảng 1200 năm, nước ta lúc ấy đang nằm trong ách cai trị của nhà Đường, thời vua Đường Trung Tông. Cao Biền làm quan Thái Sử, là một người rất giỏi địa lý, được vua Đường Trung Tông phong làm An Nam Tiết Độ Sứ sang cai trị nước Nam. Trước khi đi, vua Đường cho vời Cao Biền vào và nhủ rằng :
“…Khanh học địa lý tối vi linh diệu, trẫm nghe An Nam có nhiều quý địa kết phát tới thiên tử, sản xuất ra nhiều nhân tài, anh kiệt nên luôn luôn nổi nên chống đối. Qua bên đó, khanh nên tường suy phong thủy, kiến lãm sơn xuyên và làm tờ tấu biểu kèm theo lời diễn giải các kiểu đất, gửi về cho Trẫm xem trước. Rồi ở bên đó khanh đem tài kinh luân, đoạt thần công, cải thiên mệnh, trấn áp các kiểu đất đó đi. Đó là cách nhổ cỏ thì nhổ tận gốc vậy, để tránh hậu họa sau này…”

Câu chuyện Cao Biền và thành Thăng Long và nhà Lý
Câu chuyện Cao Biền và thành Thăng Long và nhà Lý

(…Công học địa lý, tối vi linh diệu, trẫm văn An nam đa hữu thiên tử quý địa, Công đương dụng lực ngụ mục, hoặc hữu áp chi, triển bình sinh chi kinh luân, thuật thánh hiền chi quy củ, đoạt thần công nhi cải thiên mệnh, nhiên vi tiễu thảo trừ căn, chi đồ thứ cơ vô hậu lệ, tường suy phong thủy, kiến lãm sơn xuyên, nhất nhất diễn ca lập kiểu, trẫm đắc tiện văn giả..”

Cao Biền vâng lệnh sang Việt nam, ông đã bỏ công xem xét. Và nhận thấy rằng có một mạch đất cực lớn thuộc loại Đại cán long xuất phát từ Côn Lôn sơn chạy qua, đến Việt nam chia làm ba chi lớn, trong đó có tới 27 ngôi đất kết phát tới thiên tử, còn lại là hàng nghìn ngôi đất lớn nhỏ kết phát các anh tài kiệt xuất. Ông đã xem xét. Ghi chép, diễn ca được 632 huyệt chính, 1517 huyệt bàng thuộc các tỉnh trên lãnh thổ Bắc Việt Nam:

Hà Đông: 81 chính, 246 bàng
Sơn Tây : 36 chính, 85 bàng
Vĩnh yên, Phúc yên, Phú thọ : 65 chính, 155 bàng
Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An : 183 chính, 483 bàng
Gia Lâm, Bắc ninh, Đáp cầu, Bắc giang, Lạng sơn : 134 chính, 223 bàng
Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình : 133 chính, 325 bàng

(chi tiết các địa danh huyệt kết và diễn ca này xin để dịp khác vì dài dòng quá, tôi không đưa vào đây)

Sau khi thống kê, diễn giải tường tận, Cao Biền làm sớ tấu gửi về cho vua Đường Trung Tông. Bản tấu này có tên là “Cao Biền Tấu thư địa lý kiểu tự” (Tác giả Cao Trung đã giới thiệu được một phần trong một số sách địa lý của ông). Bản tấu thư này được nhà Đường cất giữ rất bí mật, coi là bí thư. Ở Việt nam, Cao Biền tiến hành trấn yểm các kiểu đất lớn. Thủ pháp của Cao Biền để trấn yểm là : Bắt đồng Nam, đồng Nữ, mổ bụng moi hết nội tạng, sau đó nhét cỏ bấc vào trong, cho ngồi giả phụ đồng. Sau đó đăng đàn làm phép, khu thần tróc quỷ, gọi các thần linh cai quản các ngôi đất lớn đến nhập đồng. Nếu thấy các tử thi cử động thì liền dùng gươm phép tẩm máu gà, máu chó mà trừ khử cho mất thiêng đi.

(Theo thuật Địa lý, một ngôi đất kết là do khí mạch của đất thăng lên, và các ngôi đất đó do các thần linh cai quản nuôi dưỡng, đất càng lớn thì thần linh càng mạnh. Cho nên khi trấn yểm, nếu muốn phá được ngôi đất ấy thì trước hết phải trừ được thần linh cai quản, sau đó mới yểm bùa, triệt phá. Do vậy nếu nói về Địa lý, ngoài việc nghiên cứu lý thuyết, muốn làm thầy, táng được huyệt còn phải có tài khu thần tróc quỷ, sai khiến quỷ thần mới có thể đặt được các ngôi đất lớn. Nếu không có phép ấy, ắt sẽ bị phản hại mà mang họa vào thân)

Cao Biền đã tiến hành trấn yểm các ngôi đất lớn nhưng hầu hết đều thất bại, chuyện đó có dịp sẽ nói sau.
Trở về với ngôi đất thành Thăng long, Cao Biền đã diễn ca ngôi đất như sau :

Thăng Long đệ nhất đại huyết mạch, Đế vương quý địa :

Giao châu hữu chi địa -(đất Giao Châu có một ngôi đất)
Thăng long thành tối hùng -(thăng long tối hùng mạnh)
Tam hồng dẫn hậu mạch -(ba con sông lớn dẫn hậu mạch, tiếp khí cho mạch là sông Thao, sông Lô, sông Đà).
Song ngư trĩ tiền phương -(hai con cá dẫn đường, chính là bãi Phúc Xá ngoài sông Hồng)
Tản lĩnh trấn Kiền vị -(núi Tản Linh trấn tại phương Kiền – tây bắc)
Đảo sơn đương Cấn cung -(núi tam Đảo giữ phương Cấn – Đông bắc)
Thiên phong hồi Bạch hổ -(nghìn ngọn núi quay về Bạch hổ)
Vạn thủy nhiễu Thanh long -(muôn dòng nước từ ba con sông Thao, Lô, Gâm đều tụ lại tại nga ba Việt trì, chảy về nhiễu Thanh Long)
Ngoại thế cực trường viễn -(thế bên ngoài rất rộng và xa, tất cả cá núi non trên suốt mạch sông Hồng từ Việt trì đến Ninh Bình đều chầu về)
Nội thế tối sung dong -(thế bên trong rất mạnh mẽ, đầy đặn)
Tô giang chiếu hậu hữu -(sông Tô lịch dẫn mạch từ phía sau, bên phải)
Nùng sơn cư chính cung -(núi Nùng đóng tại chính cung)
Chúng sơn giai củng hướng -(tất cả núi non đều hướng về rất đẹp)
Vạn thủy tận chiều tông -(là nơi tận cùng, hợp lưu của mọi dòng nước từ thượng nguồn dẫn khí mạch về)
Vị cư cửu trùng nội -(là nơi ở của vua chúa (cửu trùng), đất làm kinh đô)
Ức niên bảo tộ long -(có thể bền vững tới 10 vạn năm)
Cầu kỳ Hổ bất bức -(…….)
Mạc nhược trung chi đồng -(…….)

Mặc dù rất ngắn gọn, nhưng bài diễn ca trên đã nói nên cái thế đất của thành Thăng long cực lớn. Các nhà địa lý đời sau phân thế, gọi là Bát tự Phân lưu Hư hoa Hà nội (là nơi nước phân lưu như hình chữ bát). Trong bài diễn ca trên, ngoài các mô tả chung, cần chú ý tới mấy điểm đặc biệt :

Thứ nhất, là vị trí huyệt kết, thông thường định huyệt kết rất khó khăn, nhưng ở đây Cao Biền đã nói rõ “Nùng sơn cư chính cung”, đó chính là nơi huyệt kết chính cung. Núi Nùng bây giờ không còn nữa, mọi người thường nhầm với gò đất ở trong vườn hoa Bách thảo, theo các nhà khảo cổ đánh giá, có lẽ nó nằm tại vị trí gần khu Hoàng thành cổ, đền Bạch mã là khu vực chân núi.

Thứ hai, trong bài diễn ca trên, câu đầu tiên “Thăng long thành tối hùng”, rất nhiều người dịch là thành Thăng long, nhưng cái tên Thăng long là mãi đến đời Lý mới có. Theo ý kiến các nhà Địa lý, “Thăng long” ở đây có lẽ là nói về cái thế đất, khí mạch thăng lên. Mạch đang đi chìm, đến vị trí này nổi nên kết phát nên gọi là Thăng Long. Và đây cũng là một cơ sở của cái tên Thăng long sau này, chưa hẳn đã là theo truyền thuyết đức Lý thái tổ nhìn thấy rồng bay lên mà đặt tên. Quan điểm này còn nhiều tranh cãi.

Thứ ba, Trong bài diễn ca trên có hai câu cuối rất khó hiểu, nhiều người dịch, mỗi người một ý. Nhưng theo đa phần các nhà Địa lý đều thống nhất một ý như sau: (bỏ qua phần văn phạm dịch thuật). “Cầu kỳ Hổ bất bức, Mạc nhược trung chi đồng” có nghĩa là nếu không bức được Bạch Hổ thì bất quá cũng chỉ là nơi đồng không mà thôi !.

(Trong thuật Địa lý, nước dẫn khí mạch về để kết huyệt, Long Hổ hai bên lưu giữ khí mạch cho khỏi thoát, khỏi bị phong suy. Nhưng Thanh long là cát thần, ngôi trưởng, Bạch hổ là hung thần, ngôi thứ, cho nên Long phải dài hơn Hổ, phải nằm bên ngoài Hổ, phải khống chế được Hổ thì mới yên, ngược lại là loạn, thứ tất đoạt trưởng, sinh nhân hung ác, phản nghịch, tất sinh biến. Nếu khí mạch khi nhập huyệt mà lại nghịch hướng, hoặc quá lớn mà tản mát sẽ nuôi dưỡng cả Long và Hổ. Nếu nuôi dưỡng Long thì lành, nuôi dưỡng Hổ thì hung. Đối với thành Thăng Long, khi nhập huyệt, khí mạch được ba con sông Tô lịch, Kim ngưu, và Thiên phụ (cái tên sông này không biết có chính xác không, tôi chưa tra cứu được) dẫn về, trong đó sông Tô lịch nằm đằng sau, phía Phải hơi chệch đường, nuôi dưỡng cho Bạch hổ. Ba con sông này tập trung tại khu vực cuối đường Bưởi gần Hồ Tây, là chỗ mà người ta đã đào được trận đồ bát quái. Đây chính là nơi Thủy Khẩu)

Nhận thấy đây là một Quý địa, là nơi đế đô có thể bền vững tới 10 vạn năm, nếu trị được ngôi đất này có thể làm đất kinh đô được. Cho nên Cao Biền ra tay trấn yểm, không phải với mục đích là triệt phá thế đất Thăng long mà mục đích là khống chế khí mạch không cho nuôi dưỡng Bạch hổ nữa (Thực ra có muốn triệt phá cũng không thể đủ sức, đủ tài làm việc này, vì ngôi đất này cực lớn). Nơi trấn yểm được ông chọn là Thủy khẩu, nơi con sông Tô lịch dẫn khí mạch về bên Bạch Hổ. (xin chú ý đây là nói về nội Long và nội Hổ, vì thế đất Thăng Long có nhiều tầng Long Hổ). Với mục đích là chọn đất đặt Kinh Đô, nhằm đô hộ lâu dài đất Giao Châu.

Khi Cao Biền trấn yểm, có lẽ do linh khí núi sông linh thiêng, do anh linh bao đời của dòng giống Lạc Hồng bất khuất đã hiển linh xuất thánh, không để cho Cao Biền thực hiện ý định đóng đô lâu dài nên đã ra sức cản phá, kết hợp với nhân dân lúc bấy giờ tìm mọi cách ngăn cản cho nên Cao Biền đã thất bại. Ông đã không xây dựng được nơi chính huyệt, Cao Biền đành chuyển ra bên cạnh đóng đô nơi thành Long Biên, là tòa thành đã có từ trước. Cũng chính vì vậy mà sự nghiệp của Cao Biền ở nước Nam đã không kéo dài được. Và thành Long Biên sau này cũng chỉ là một thành nhỏ, trước đây không một đời vua nào đóng đô ở đây được lâu bền cả, như Mai Thúc Loan, Lý Bí … cũng đều đóng đô ở Long biên, nhưng chỉ được thời gian rất ngắn ngủi.

(Các vị thần được phong là Thăng long Tứ Trấn đã có công giữ thành, giữ đất, đến nay vẫn được nhân dân Nam Việt biết ơn, thờ phụng. Công đức của các ngài gắn liền với đất Thăng Long – Hà Nội. Và các ngài đến nay vẫn giúp cho cháu con nước Việt gìn giữ một Kinh thành với thế đất nổi danh quý địa Bát tự phân lưu)

Phần 2 : Tấu thư địa lý kiểu tự

Quay lại chuyện cuốn “Cao Biền tấu thư Địa lý kiểu tự”. Cuốn sách này sau khi được dâng về cho Đường đế, đã được lưu giữ trong kho sách cấm của triều đình, xếp vào hàng bí thư.
Trải qua các đời Đường, Tống….đến thời nhà Minh, với danh nghĩa “Phò Trần Diệt Hồ” nhà nước phương Bắc lại đem quân xâm lấn nước ta. Chỉ huy cuộc chiến tranh này là ba danh tướng: Trương Phụ, Mộc Thạch, Hoàng Phúc. Trong đó có Hoàng Phúc là một tướng rất giỏi, uyên thâm kỳ môn độn giáp, đặc biệt là Địa lý. Ông nghiên cứu rất nhiều, và đã lấy được từ trong kho sách cuốn Cao Biền tấu thư. Lần này sang Việt Nam ông mang theo với dụng ý kiểm chứng lại các ngôi đất kết mà Cao Biền đã nêu. Nhưng trong cuộc chiến tranh này quân Minh đã thất bại, Đại quân sư Nguyễn Trãi đã dùng kế “vây thành diệt viện” chém đầu Liễu Thăng, bức hàng, bắt sống toàn bộ tướng lĩnh trong đó có Hoàng Phúc và cuốn Tấu thư địa lý này đã được thu hồi từ tay Hoàng Phúc. Nguyễn Trãi là người uyên thâm, trọng nhân tài, biết tiếng Hoàng Phúc nên không dám khinh mạn, mời vào tiếp chuyện. Khi tiếp chuyện Nguyễn Trãi rất khâm phục tài học của Hoàng Phúc. Khi bàn luận về Địa lý, Hoàng Phúc có nói với Nguyễn Trãi rằng: Nhà Hoàng Phúc được ngôi đất kết, có cái xá văn tinh cứu giải nên không sợ hung hiểm, nếu đúng như Địa lý thì không quá 100 ngày nữa Hoàng Phúc sẽ được tha. Hoàng Phúc còn nói với Nguyễn Trãi rằng, ngôi đất nhà ông ở Nhị Khê, Thượng Phúc, Hà Đông có trong bản tấu thư của Cao Biền, theo sách này, đất nhà Nguyễn Trãi kết phát công hầu khanh tướng, nhưng long lai đoản mạch, tại cung Mùi (ứng với ngôi thứ thất) có cái thương sa đâm vào nên rất độc, có thể phạm hình thương quan ngục, nếu không chữa ắt sẽ có ngày tai họa. Cao Biền đã mô tả thế đất như thế này :

Nhị Khê Thượng Phúc – Thôn Nhị Khê, Thượng Phúc, Hà Đông
Mạch kết bình dương – Mạch kết dưới bình dương (đất bằng)
Sơn như ngư đại – Núi như cá lớn
Thủy như loa tràng – Nước như cái loa dài
Tam môn giới khí – Thủy khẩu ba đường giới khí
Cửu khúc trụ đường – Chín khúc nước trụ tại minh đường
Tiền hô hậu ủng – Tiền hô hậu ủng, Nguyễn trãi cùng Lê lợi khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân đều được ủng hộ là vì vậy
Hổ phục long hàng – Hổ phục long hàng, Bắt sống tướng giặc, chém đầu Liễu Thăng là vì vậy
Thế xuất khanh tướng – Thế đất xuất công hầu khanh tướng
Quyền chưởng binh lang – Nắm quyền điều khiển binh lang
Hiềm sơn lai đoản mạch – Nhưng vì Long lai đoản mạch
Ly biệt tha hương -Nên sẽ ly biệt tha hương, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt sang Trung Quốc, không về
Khủng bị hình thương -Sợ là sẽ bị phạm hình thương, đời sau Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc

Quả nhiên, sau đó để thực hiện chính sách bang giao, Lê Lợi đã cấp thuyền cấp ngựa cho quân Minh giải giáp về nước, đúng như lời Hoàng Phúc nói. Còn Nguyễn Trãi, sau vì cái án Lệ chi viên mà bị tru di tam tộc, kỳ lạ thay nó lại gây ra bởi sự liên quan đến Thị Lộ, người thứ thiếp của ông, đúng như lời Hoàng Phúc đã nói.

(Ngày nay ngôi mộ đó vẫn còn, thế đất đúng như mô tả. Trong cái nạn tru di tam tộc, có một người vợ thứ của Nguyễn Trãi đã nhanh chân chạy thoát sang đất Lào, sinh một người con trai, sau 22 năm, vụ án sáng tỏ, dòng họ Nguyễn được minh oan, con cháu được tìm về, người con đó được bổ làm quan và trên đường đi sứ sang Trung Quốc đã bị đắm thuyền trên hồ Động Đình (nhân gian đã thêu dệt câu chuyện Rắn Trắng báo oán để lạc hướng quần chúng về vụ án oan khiên nhất lịch sử này). Ngày nay con cháu của dòng họ này còn sót lại sinh sống ở Chí Linh, Hải Dương, vẫn cứ mỗi đời có ít nhất một người chết vì dao kiếm, súng gươm, tai nạn thương vong, vẫn ứng với lời tiên đoán của Cao Biền).

Cuốn sách “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự” vì thế mà được lưu truyền trong nhân gian, đã có một số người tìm được huyệt đặt mộ mà từ đó phát đến công hầu khanh tướng. Tất cả những địa danh ấy, những ngôi đất ấy đến nay vẫn không thay đổi nhiều. Các thầy địa lý ngày xưa đã sao chép ra nhiều bản, đến nay vẫn còn nhiều quyển chép tay còn sót lại trong các tủ sách gia đình của một số dòng họ.
Phần 3: Nhà Lý đặt thành Thăng Long:

Lý Công Uẩn, người làng Cổ Pháp (Bắc Ninh). Xung quanh ngài có rất nhiều truyền thuyết, không dám lạm bàn. Chỉ xin bàn đến cái việc Nhà Lý dời đô ra Thăng Long.

Lý Thái Tổ được dạy dỗ bởi hai nhà sư: Lý Vạn Hạnh và Lý Khánh Văn (hai anh em ruột). Đây là hai đại tôn sư rất uyên thâm, gồm cả tài đức, đều được phong Quốc sư. Có lẽ trong quá trình nuôi dạy Lý thái tổ, hai vị tôn sư này đã nhìn thấy cái chân mệnh thiên tử của Ngài nên đã có hướng cho một triều đại mới. Bởi vậy mà ngay từ khi còn nhỏ tuổi, Lý đế đã được đào tạo rất công phu kiêm cả văn võ. Cái quá trình chuẩn bị cho ngài lên ngôi đã được sắp đặt rất kỹ càng bằng các biện pháp gây thanh thế trong lòng dân chúng bằng các bài sấm ký, đồng giao, bằng các điềm báo thiên nhiên, chỉ qua một sự việc về cây gạo làng Dương lôi (nơi Lý thái tổ sinh sống khi chưa nhập kinh) bị sét đánh, trong thớ gỗ xuất hiện bài thơ nói rằng Nhà Lý sẽ thay nhà Lê, đã minh chứng cho một sự chuẩn bị rất chu đáo của hai nhà sư Lý Vạn Hạnh và Lý Khánh Văn (cái này thuộc về lịch sử, không bàn nữa). Nhưng đáng chú ý là việc chuẩn bị cho công cuộc dời đô của nhà Lý.

Nhà sư Lý Vạn Hạnh là một người cực giỏi địa lý, ngài đã nghiên cứu rất nhiều về thế đất thành Thăng Long. Lẽ tất nhiên Ngài phải biết cái thế đất ấy muốn dùng được thì phải trấn được Bạch Hổ mới có thể lập kinh đô. Chính vì vậy, sau khi nên ngôi, Nhà Lý đã cho dời đô ra Thăng Long. Trong quá trình xây dựng thành Lý Vạn Hạnh đã tiến hành trấn yểm ở nhiều điểm, nhưng điểm cốt lõi vẫn là nơi mà trước kia Cao Biền đã thất bại – đó chính là Thủy Khẩu.
(Nếu nghiên cứu về địa lý thì ai cũng biết rằng vị trí của Thủy Khẩu quan trọng như thế nào đối với một ngôi đất, nó đóng vai trò như cái yết hầu của con người, bởi vậy việc trấn yểm nếu thực hiện tại vị trí này thì có thể khống chế cả cuộc đất. Nói như vậy nhưng nếu trấn yểm tại Thủy Khẩu là nơi khí tụ trước khi đổ vào minh đường để nuôi dưỡng huyệt mạch thì sẽ vô cùng khó khăn vì nơi ấy khí lực cực mạnh. Một ngôi đất tốt, nhưng nếu thủy khẩu bị chặn lại, nước không đem khí mạch đến đc, ắt sẽ sinh họa ngay. Vì thế nên có câu phú “đăng sơn tầm tổ tông, đáo xứ vấn thủy khẩu” đó là điều đầu tiên phải làm).

Việc Lý Vạn Hạnh thực hiện trấn yểm như thế nào, đó là một điều không thể nói. Nhưng chúng ta chỉ cần biết rằng ông đã thành công. Ông đã trị được con sông Tô lịch, khống chế được Bạch Hổ. Từ đó đất Thăng Long đã trở thành đế đô muôn đời cho các triều đại, ngày càng hưng thịnh. Việc làm này của sư Lý Vạn Hạnh được thành công cũng là nhờ thần thiêng sông núi, giúp cho con cháu nước Nam trấn giữ được kinh thành, để mà có được cái thế đất Anh Hùng Vạn Cổ. Đấy là hồn thiêng Đất Việt đã giữ gìn ngôi đất bao đời để trao lại cho cháu con Lạc Việt, mà không cho kẻ ngoại bang xâm phạm.

Quay lại với các sự việc về trận đồ bát quái được tìm thấy, các nhà khảo cổ đã chứng minh rằng các di vật tìm thấy là thuộc đời Lý. Vì vậy, quan điểm cho rằng trận đồ này do Cao Biền lập là không có cơ sở, hẳn nhiên không phải là các di vật này “sau này mới rơi xuống” như một số quan điểm. Nên biết rằng từ khi Cao Biền tiến hành trấn yểm đến đời Lý là khoảng hơn 200 năm – sông lấp sóng bồi, vậy mà sao khi phát hiện, các di vật đều cùng một niên đai, đều cùng một địa tầng – đó là một điều vô lý. Nhưng nếu nó là tác phẩm của Lý Vạn Hạnh thì hoàn toàn có lý, bởi vì như trên đã dẫn, Nhà Lý khi dời đô ra Thăng Long đã xây dựng tòa thành mới mà không dùng thành Long Biên như các thế hệ trước.

Nói thêm về phần địa lý : Khi phân tích kiểu đất Nam Việt, Có nhiều quan điểm cho rằng Sông Hồng là Thanh Long là chưa đúng. Chúng ta biết rằng Thanh Long hay Bạch Hổ đều là núi, là đất, là nơi ôm giữ khí mạch cho huyệt. Còn sông suối chỉ là huyết mạch, dẫn khí nhập huyệt. Khi long đình nhập huyệt, khí chỉ tại minh đường để từ đó nuôi dưỡng huyệt kết nên khi tầm long tróc mạch phải tìm đến chỗ mà có “long đình, chỉ khí” mới là chân huyệt. Còn riêng thế đất Thăng Long, ta biết rằng Côn lôn sơn là thái tổ sơn, khí mạch xuất phát từ đây, đi xuống phía Nam, qua hai thiếu tổ sơn là Vân Lĩnh, Đan Sơn, đều thuộc tỉnh Vân Nam, sau đó chuyển về Việt Nam, chia ba chi : Quảng Ninh là tả chi, Thăng Long là trung chi, Thanh Nghệ là hữu chi (đất Thanh Nghệ lại chia làm ba tiểu chi nữa), kết tại Thăng long là chính huyệt. Nếu quan sát một cách tổng thể trên bản đồ vệ tinh, ta sẽ nhìn thấy ngay đường đi của mạch, khi qua biên giới, mạch đi rất trực, tiến thẳng xuống phía Nam, kết tại Hà Nội. Mà theo như cụ Tả Ao thì “Mạch thô đi chẳng khép vào, vốn đi một chiều ấy mạch phát dương”. Ta đã biết, mạch có MẠCH ÂM, MẠCH DƯƠNG. Nếu mạch phát âm cơ thì là đất để mộ, nếu mạch phát dương cơ thì là đất làm nhà, làm doanh trại, làm thành phố, hoặc lớn như Thăng Long là làm kinh đô. Mô tả về điều này sách viết :

“Tiên vấn tổ tôn giả, tổ giả, đột khởi nhất sơn vi tổ, phân hành thiên chi vạn điệp, như Côn lôn sơn đột khởi vi tổ sơn, thị dã. Tôn giả ly tổ biệt khởi nhất sơn vi tôn, phân hành Đông ngung, Tây lũng, như Vân Lĩnh, Đan sơn giáng Nam, thị dã” – (Trước tiên phải hỏi đến tổ tôn, Tổ là một ngọn núi đột khởi lên, rồi phân hành ra ngàn vạn chi nhánh, như núi Côn Lôn một mình cao vọt nên là Tổ sơn. Tôn là mạch tự khi rời Tổ sơn rồi cũng lại cao vọt lên riêng biệt, phân ra Đông ngung, Tây lũng, như núi Vân lĩnh, Đan sơn cao vọt nên rồi đổ xuống phía Nam vậy).

Câu chuyện Cao Biền và thành Thăng Long và nhà Lý – St

Kts. Soát
Chat ngay