Dự án xây dựng chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa: Chậm tiến độ, vi phạm quy định về đầu tư
(BGĐT) – Nhằm nâng cao hiệu quả của chợ cũng như tạo diện mạo mới cho không gian đô thị, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) thực hiện chuyển đổi mô hình chợ thị trấn Thắng lên chợ hạng 2. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư không thực hiện đầy đủ quy định.
Chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa bị chậm tiến độ xây dựng so với kế hoạch. |
Chợ trung tâm huyện nằm ở thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) được xây dựng từ mấy chục năm trước, nhiều hạng mục xuống cấp. Năng lực quản lý của Ban quản lý chợ yếu, chưa lập được quy chế để ràng buộc trách nhiệm của cá nhân tham gia kinh doanh. Vì thế, năm 2014, UBND huyện Hiệp Hòa ban hành kế hoạch chuyển đổi tổ chức kinh doanh khai thác chợ này theo mô hình doanh nghiệp (DN) hoặc HTX quản lý khai thác. Qua hình thức đấu thầu, ngày 30-9-2015, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa phê duyệt kết quả trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Xây dựng nền móng Long Xuyên và Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Hà Nam (TP Hồ Chí Minh).
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hiệp Hòa kiểm tra quá trình thực hiện dự án xây dựng chợ hạng 2 trung tâm huyện Hiệp Hòa, sớm báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh. |
Ngày 9-11-2015, hai Công ty này sáp nhập thành DN mới mang tên Công ty TNHH Bất động sản Đầu tư thương mại Hiệp Hòa (gọi tắt là Công ty Đầu tư thương mại Hiệp Hòa). Căn cứ vào các hồ sơ, ngày 3-3-2016, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư chợ hạng 2 trung tâm huyện Hiệp Hòa. Theo đó chấp nhận nhà đầu tư là Công ty Đầu tư thương mại Hiệp Hòa. Chợ gồm các hạng mục: Nhà chợ chính với 3 tầng nổi, một tầng hầm; khu vực bán hàng ngoài trời, nơi thu gom rác thải, đường nội bộ… với diện tích 5,6 nghìn m2. Tổng vốn đầu tư gần 66 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tháng 2-2017, dự án hoàn thành.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, công trình mới xây thô tầng hầm, tầng một và đang xây tầng 2. Dù dự án còn dở dang nhưng vào cuối năm 2016, DN đã thông báo rộng rãi, tổ chức đấu thầu ki-ốt. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thịnh, khu 4, thị trấn Thắng cho biết: “Ngày hôm đó, ngoài những tiểu thương từng kinh doanh tại chợ cũ còn có nhiều người đến từ các tỉnh, huyện ngoài tham gia. Có ô giá khởi điểm chỉ hơn 140 triệu đồng song đấu thầu trúng giá hơn 160 triệu đồng. Riêng tôi bỏ phiếu trúng 3 ki-ốt, đặt cọc và nộp thêm số tiền hơn 200 triệu đồng. Nhà đầu tư cam kết ngày 28-2-2017 giao ki-ốt cho khách nhưng quá hạn vẫn chưa thực hiện”. Nghĩ chẳng có gì chắc chắn, tiền đã nộp như “trứng để đầu gậy” nên mới đây ông Thịnh thanh lý hợp đồng và rút lại tiền. Ngoài ông Thịnh còn có gần 50 hộ tại thị trấn Thắng đã đặt cọc, đấu giá ki – ốt với số tiền gần 5 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, nhà đầu tư còn nợ một số nhà thầu thi công. Đơn cử như Công ty TNHH Xây dựng Lâm Phạm (Hà Nội) đã thi công chợ với giá trị xây lắp khoảng chục tỷ đồng song đến nay mới được thanh toán 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Vũ Hoàng Dương (Thái Nguyên) thi công khối lượng hơn 3 tỷ đồng cũng chưa được thanh toán đồng nào.
Trước những thông tin trên, chúng tôi liên hệ với ông Hà Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại Hiệp Hòa để tìm hiểu thêm. Vị này đồng ý phóng viên phỏng vấn qua thư điện tử và phía DN sẽ hồi âm vào ngày 30, 31 tháng 3. Song khi chúng tôi liên lạc lại, ông Hải không nghe máy cũng không thông tin gì thêm. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Nghị định 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định UBND tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ. Như vậy, khi tỉnh chưa phê duyệt giá này mà DN đã tổ chức đấu thầu ki-ốt cho người dân là sai quy định”.
Thực tế cho thấy, xung quanh dự án chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều tiểu thương đã nộp tiền đặt cọc kinh doanh tại chợ chưa biết đến khi nào mới được sử dụng ki-ốt bán hàng. Việc DN vội vàng cho đấu giá và thu tiền đặt cọc khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết đang tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, dễ dẫn tới tranh chấp. Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Đầu tư thương mại Hiệp Hòa từng bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hành chính vì vi phạm trong tổ chức thi công xây dựng với số tiền 30 triệu đồng.
Để hạn chế rủi ro, UBND huyện Hiệp Hòa khuyến cáo các tiểu thương nghiên cứu kỹ những quy định liên quan trước khi nộp hồ sơ thuê các ki-ốt tại chợ trung tâm huyện. Yêu cầu Công ty Đầu tư thương mại Hiệp Hòa dừng việc huy động vốn, tổ chức đấu giá ki-ốt do chưa đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hồ sơ mời thầu và cam kết khác với địa phương trong quá trình giải phóng mặt bằng dự án này; không làm phát sinh các vụ việc về an ninh trật tự, bảo đảm quyền lợi của những người đã nộp tiền đặt cọc cho DN.