Về Bắc Giang tới thăm khu bảo tàng di tích chiến tranh bên dòng sông Thương

Đến Bảo tàng Di tích chiến tranh sông Thương mới được thành lập tại phường Lê Lợi, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, tình cờ, chúng tôi gặp Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Ông giới thiệu cho chúng tôi về bảo tàng và cho biết, ông là người cộng tác, lên ý tưởng cho bảo tàng. Bằng sự đồng cảm, ông đã nỗ lực để bảo tàng ra mắt dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua.

Với diện tích khá rộng, các hiện vật trưng bày trong bảo tàng được bố trí theo từng mảng chủ đề, như: Chiến trường-máu và hoa, hành trang người lính, chiến trận, vũ khí chiến tranh. Phía khu vực ngoài trời là chủ đề đầu tiên với tên gọi Chiến trường-máu và hoa. Tại đây, người xem có thể thấy các mảnh vỏ bom với nhiều loại kích cỡ được sắp xếp ấn tượng.

Điều tạo nên sự độc đáo cho nơi này là các mảnh bom giờ đây trở thành những chiếc chậu dùng để trồng hoa mang đậm tính nghệ thuật. Từ sự kết hợp hài hòa đó, du khách phần nào hiểu được tính ẩn dụ từ tên gọi chủ đề ở đây. Hoa biểu thị sự tri ân với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Một góc bảo tàng.

Bên trong bảo tàng là không gian với nhiều màu sắc nổi bật. Ngay tại vị trí trung tâm là bức tranh vẽ mô phỏng lại bức ảnh “em bé Na-pan” nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Nick Út.

Một phần khác của bảo tàng là nơi trưng bày hình ảnh các trận đánh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, trong đó có sơ đồ Chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh; bản đồ trận đánh trên sông Như Nguyệt năm 1077 do Lý Thường Kiệt chỉ huy chống quân xâm lược nhà Tống. Ngoài ra, còn có mô hình miêu tả lại một phần đồn Phồn Xương-căn cứ của nghĩa quân Đề Thám.

Tiếp đến là khu vực có chủ đề vũ khí chiến tranh, hành trang người lính, Trường Sơn… Tại đây, có rất nhiều hiện vật chiến tranh như quân trang, vũ khí, vỏ đạn… cùng một số khí tài khác được trưng bày. Để có được những hiện vật trưng bày trong bảo tàng, nhà văn Sương Nguyệt Minh cùng đồng đội đã tốn không ít công sức lặn lội vào Quảng Trị, tìm đến những chiến trường năm xưa, đi đến từng hộ dân, gặp gỡ nhiều cựu chiến binh để thu thập hiện vật.

Với những tài liệu, hiện vật này, Bảo tàng Di tích chiến tranh sông Thương dần được biết đến như một địa chỉ giáo dục cho thế hệ trẻ. Chúng tôi được biết, từ những ngày đầu bảo tàng đi vào hoạt động đã có nhiều đoàn học sinh các trường học trên địa bàn TP Bắc Giang tới tham quan. Tại đây, các em học sinh được thầy cô và nhà văn Sương Nguyệt Minh giới thiệu về chiến tranh. Đó là bài học vô giá để các em trân trọng hơn giá trị của hòa bình.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ: “Bên cạnh những hiện vật sưu tầm được từ chiến trường xưa, chúng tôi còn may mắn được trao tặng lại một số kỷ vật rất quý của các cựu chiến binh. Có thể nói, đây là những hiện vật vô giá, vì chúng gắn liền với một phần ký ức của những cựu chiến binh”.

Một kỷ vật tiêu biểu được hiến tặng phải kể đến cuốn nhật ký của một người lính lái xe thiết giáp thuộc quân đội chế độ Sài Gòn được cựu chiến binh, nhà văn Nguyễn Trọng Luân, nguyên Tiểu đội trưởng trinh sát Sư đoàn 320 ở Mặt trận B3 Tây Nguyên nhặt được, sau đó, ông tiếp tục ghi chép vào phần sau của cuốn nhật ký.

Với những câu từ mộc mạc, cuốn nhật ký ghi lại những suy nghĩ, khoảnh khắc trên chiến trường của hai người lính ở hai đầu chiến tuyến và dù được nhìn ở nhãn quan nào thì những câu chuyện trong nhật ký đều tố cáo sự tàn ác của chiến tranh…

Bà Nguyễn Thị Mười, Tổng giám đốc doanh nghiệp Mười Duyên, đơn vị đang đầu tư Vườn nghệ thuật sông Thương, cho biết: “Chiến tranh đã lùi xa và thời gian sẽ xóa đi tất cả nếu như không có sự lưu giữ.

Những hiện vật chiến tranh luôn có tiếng nói của riêng mình. Bảo tàng Di tích chiến tranh sông Thương mới tái hiện được một góc nhỏ của chiến tranh, nhưng chúng tôi hy vọng bảo tàng sẽ phần nào giúp người xem và thế hệ trẻ thấy được sự cống hiến của những thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kts. Soát
Chat ngay