Xây dựng huyện nông thôn mới Lạng Giang: Làm đâu chắc đó

Lạng Giang là một trong hai đơn vị được tỉnh Bắc Giang chỉ đạo xây dựng và phấn đấu đạt huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2020. Để hoàn thành nhiệm vụ này, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây đang chung sức, đồng lòng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Nhờ làm tốt công tác huy động sức dân, đường ngõ, xóm ở xã Tân Hưng được cứng hóa.

Rõ lộ trình

Giai đoạn 2011-2015, huyện Lạng Giang đã ưu tiên nguồn lực xây dựng NTM ở 5 xã. Các xã còn lại cũng được định hướng từng bước hoàn thiện hạ tầng gắn với phát triển sản xuất.

Huyện đã đầu tư gần 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động sức dân, doanh nghiệp để các xã thực hiện các tiêu chí. Đồng thời vận động nhân dân hiến hàng chục nghìn m2 đất, ngày công lao động xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất.

Bằng sự nỗ lực đó, đến nay toàn huyện có 5 xã về đích là: Tân Thịnh, Tân Dĩnh, Yên Mỹ, An Hà và Nghĩa Hưng. Điểm nhấn ở các xã này là hệ thống đường giao thông được cứng hóa đến tận ngõ, xóm; kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, trường học được xây mới, nâng cấp.

Nhà ở dân cư chỉnh trang theo hướng hiện đại với nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống. Đặc biệt thu nhập của người dân có cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người 29,5 triệu đồng/năm, vượt so với quy định gần chục triệu đồng.

Đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh cho thấy, hiện nay, bình quân toàn huyện đạt gần 13 tiêu chí/xã. Theo quy định của Chính phủ, để đạt huyện NTM, địa phương cần có ít nhất 75% số xã đạt chuẩn theo quy định; còn lại phải đạt ít nhất 14 tiêu chí, trong đó có tiêu chí chủ yếu là hộ nghèo và thu nhập. Các tiêu chí còn lại đạt từ 70% trở lên so với quy định.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện nói: “Để có cơ sở thực hiện, Lạng Giang đã hoàn thành Đề án xây dựng huyện NTM trình cấp trên phê duyệt. Trong đó, lựa chọn 11 xã cần đạt chuẩn; phân rõ lộ trình thực hiện cụ thể theo từng năm và theo từng tiêu chí, dễ làm trước, khó làm sau đối với các xã: Quang Thịnh, Nghĩa Hòa, Tân Hưng, Phi Mô, Thái Đào, Đại Lâm, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Hương Lạc, Tiên Lục, Xương Lâm”.

Theo tính toán của huyện, để các xã về đích đúng tiến độ, mỗi năm cần đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí rất lớn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là phát huy tốt việc huy động nội lực từ sức dân và doanh nghiệp.

Các xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề

Quang Thịnh là xã đăng ký về đích trong năm nay. Những ngày này, chính quyền và nhân dân nơi đây đang nỗ lực hoàn thành 2 tiêu chí còn lại là cơ sở vật chất văn hóa và môi trường.

Ông Hoàng Văn Trịnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngoài nguồn kinh phí của cấp trên phân bổ, xã vừa bố trí hơn 6 tỷ đồng từ ngân sách và đang huy động sức dân để hoàn thiện các hạng mục còn lại. Đồng thời tập trung đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ cải tạo nhà văn hóa xã, sân vận động; nhà văn hóa của 5 thôn và hoàn thiện lắp đặt lò đốt rác thải tại bãi tập trung để xử lý rác, phấn đấu hoàn thành trong tháng 10 năm nay”.

 

Được UBND huyện hỗ trợ lán trại, nhiều hộ dân thôn Bãi Cả (xã Tiên Lục) mở rộng quy mô trồng nấm, tăng thu nhập.
Được UBND huyện hỗ trợ lán trại, nhiều hộ dân thôn Bãi Cả (xã Tiên Lục) mở rộng quy mô trồng nấm, tăng thu nhập.

Cũng như Quang Thịnh, xã Phi Mô và Nghĩa Hòa đang khẩn trương thực hiện cứng hóa đường giao thông, xây nhà văn hóa, điểm thu gom xử lý rác… để về đích vào năm 2017.

Được biết, để thống nhất trong chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao, việc xây dựng huyện NTM được Lạng Giang đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện giai đoạn 2015-2020. Cùng đó, huyện yêu cầu các xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề để huy động sự vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể.

Với phương châm làm đến đâu chắc đến đó, không nóng vội chạy theo thành tích nên trong chỉ đạo, huyện ưu tiên giải pháp tăng thu nhập cho nông dân. Bởi có thu nhập cao, đời sống người dân mới được nâng lên, từ đó có đối ứng trở lại xây dựng NTM, nhất là đối với các tiêu chí đòi hỏi nhiều kinh phí như: Giao thông, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa.

Căn cứ vào thế mạnh của địa phương, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung và ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ nông dân dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu sản xuất nông nghiệp hàng hóa; xây dựng lán trại trồng nấm; rau chế biến xuất khẩu, thủy sản và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…

Đặc biệt huyện khuyến khích nông dân sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, đến nay, huyện có nhiều sản phẩm thế mạnh như: Trồng nấm ở xã Nghĩa Hưng, Tân Dĩnh, Nghĩa Hòa, Hương Lạc; rau chế biến ở Tân Thịnh, Quang Thịnh, Tân Hưng; thủy sản ở Thái Đào, Đại Lâm…

Cùng với giải pháp trên, huyện tiếp tục quy hoạch sử dụng đất để các xã tổ chức đấu giá tăng nguồn thu, mỗi năm sẽ bố trí khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương thực hiện các tiêu chí NTM.

Huyện phân công thành viên ban chỉ đạo sâu sát cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã áp dụng mẫu thiết kế điển hình, ưu tiên cho nhân dân tham gia thi công các công trình đơn giản như: Kênh mương, nhà văn hóa, đường thôn xóm để giảm chi phí đầu tư. Với cách làm trên, Lạng Giang quyết tâm đạt huyện NTM đúng kế hoạch đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kts. Soát
Chat ngay